Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Bia đá có lịch sử lâu dài ở nước ta. Bia đá là hiện vật nhằm ghi lại những sự vật, sự việc và con người cụ thể. Bia đá thường có 2 mặt hoặc 4 mặt. Bia đá cổ ở Hà Tĩnh là bia chữ Hán, phản ánh, ghi lại những thông tin về tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, giáo dục, văn học và tiểu sử của các danh nhân trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa, ngoại giao, các nhà khoa bảng… Ở Hà Tĩnh, theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, bia đá hiện có chủ yếu ở các di tích lịch sử - văn hóa như đình, đền, chùa, miếu, nhà văn thánh, nhà thờ họ và những nơi công cộng thuộc 10 huyện, thị trong tỉnh, trong đó phải kể đến, Can Lộc (23 bia), Đức Thọ (19 bia), Nghi Xuân (10 bia), Hương Sơn (9 bia), Lộc Hà (7 bia), Kỳ Anh (5 bia), thành phố Hà Tĩnh (4 bia), Thạch Hà (4 bia), Cẩm Xuyên (3 bia), thị xã Hồng Lĩnh (3 bia) [1].
Bia đá khắc bài thơ ngự chế “Quá Hoành Sơn quan” (過橫山關)của vua Thiệu Trị
Bia đá khắc bài thơ ngự chế “Quá Hoành Sơn quan” (過橫山關)của vua Thiệu Trị trước đây được dựng vách núi của dãy Hoành Sơn thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Qua thời gian, có lần bia đã bị vùi lấp. Năm 2000, trong quá trình mở rộng quốc lộ 1A đã làm bia phát lộ. Sau đó, bia đã được đưa về lưu giữ ở các cơ quan của thị xã Kỳ Anh. Nhận thấy đây là hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ cao, ngày 05 tháng 5 năm 2016, Bảo tàng Hà Tĩnh đã tiến hành sưu tầm về nhằm bảo quản và phát huy giá trị lâu dài của hiện vật và được kiểm kê với số hiệu BTHT2846/Đ1241. Hiện trạng hiện vật khá nguyên vẹn. Bia được tạo tác công phu và có giá trị nghệ thuật cao. Bia được làm bằng đá nguyên khối, khắc một mặt chữ Hán và hoa văn, kích thước cao 113cm, rộng 55cm, dày 20cm. Bia có trán bia và thân bia. Các hoa văn trang trí chủ yếu tập trung ở trán bia và diềm thân bia. Trán bia được chạm khắc khá tinh xảo với đề tài hổ phù ở chính giữa, ẩn hiện trong vân mây cách điệu, trông dữ tợn với chiếc mũi to, bờm, râu uốn cong, thân và chân tạo trang trí hình vẩy cá, hai chân chảng ra hai bên với móng vuốt sắc nhọn. Diềm thân bia được trang trí cúc dây cách điệu, được chạm khắc công phu. Giữa mặt thân bia khắc chìm bài thơ chữ Hán “Quá Hoành Sơn quan” với 76 chữ ở thể chân thư, bố trí thành 7 dòng, sắp xếp từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Phía phải khắc bài thơ ngự chế, phía trái khắc dòng lạc khoản chỉ thời gian sáng tác.
Thiêu Trị là vị vua thứ 3 của triều Nguyễn, thay vua cha Minh Mệnh trị vì đất nước trong 7 năm, giai đoạn từ 1841 đến 1847. Ông là một con người rất yêu thích thi ca và để lại rất nhiều bài thơ, trong đó có tập thơ Ngự chế Bắc tuần thi tập. Bài thơ “Quá Hoành Sơn quan” sáng tác vào tháng 11 và “Hồng Lĩnh” sáng tác tháng 12 năm 1842 (Âm lịch) là 2 trong số các bài thơ trong tập thơ “Ngự chế Bắc hành thi tập” được vua Thiệu Trị sáng tác trong chuyến Bắc hành năm 1842 khi đi qua tỉnh Hà Tĩnh và sai địa phương khắc vào bia đá dựng ở bên đường đi. Việc đi Bắc tuần không chỉ có vua Thiệu Trị mà trước đó, ngay khi lên trị vì đất nước, vua Gia Long năm 1804, vua Minh Mệnh năm 1821 và sau này vua Khải Định năm 1918 cũng đã đi Bắc tuần. Theo lệ vua ông và cha, sau khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị cũng đi Bắc tuần nhằm “…kế thừa sự nghiệp […] lễ nghĩa ngày càng đầy đủ, đề cao điển lệ, ngự giá các nơi, giáo hóa rộng khắp để kiểm tra quan lại, thăm nom dân chúng” [2].
Bài thơ “Quá Hoành Sơn quan” như sau:
Nguyên văn chữ Hán
過橫山關
一帶綿橫限載山
蜷鰱起伏海濱間
衛南拱北分嚴汛
曆古來金作險關
攜纍不須譚往事
重蠻信可任高攀
棲天樹青而翠
半嶺飛飛雲去復還
紹治二年十一月吉日恭鐫
御制詩一首
Phiên âm
Quá Hoành Sơn quan
Nhất đái miên hoành hạn tải sơn
Quyển liên khởi phục hải tân gian
Vệ Nam củng Bắc phân nghiêm tấn
Lịch cổ lai kim tác hiểm quan
Huề lũy bất tu đàm vãng sự
Trùng Man tín khả nhậm cao phan
Thê thiên nghiễm thụ thanh nhi thúy
Bán lĩnh phi vân khứ phục hoàn
Ngự chế thi nhất thủ. Thiệu Trị niên thập nhất nguyệt cát nhật cung thuyên.
Dịch nghĩa
Qua ải Hoành Sơn
Một dải núi giăng ngang chia giới hạn ở đây
Như hình rồng rắn uốn lượn cao thấp trên bờ biển
Gìn Nam giữ Bắc nơi đồn binh nghiêm ngặt
Từ xưa tới nay đây là cửa ải hiểm yếu
Men theo bức lũy chẳng nên bàn chuyện đã qua
Núi lượn trùng điệp có thể vịn mà cao mãi
Nhìn lên đá và cây xanh biếc như liền với trời xanh
Trên lưng chừng núi những đám mây trôi qua lại
Dịch thơ
Hoành Sơn một dãi núi ngăn đôi
Uốn lượn nhấp nhô cạnh biển khơi
Đồn trấn Bắc Nam chia dải cõi
Ải nghiêm kim cổ trải bao đời
Nhắc chi chuyện cũ bên bờ lũy
Mặc sức leo cao vịn tít trời
Cây chạm bầu không mà xanh biếc
Lưng trèo bay tới lại bay cao
Thơ ngự chế một bài
Ngày lành tháng 11 năm Thiệu Trị 2 (1842), kính cẩn khắc đá [3]
Trước cảnh non nước mây trời của dãy Hoành Sơn hùng vĩ chạy chắn ngang ra biển lớn, đứng trước cổng Hoành Sơn cổ kính, rêu phong “nhớ ơn liệt thánh, mừng tục thuần mỹ mà mộ sự vẻ vang của triều xưa” [4], vua Thiệu Trị đã sáng tác bài thơ này.
Có thể nói Hoành Sơn là nguồn cảm hứng sáng tác lớn của tao nhân mặc khách khi ghé qua đây. Tiêu biểu, thời Trần, Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh trong lúc theo xa giá theo vua Trần Duệ Tông đến hoang châu Bố Chánh, trước dãy Hoàng Sơn đã sáng bài thơ chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt và đã được khắc trên mặt chuông chùa Rối (xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên). Tiếp theo đó có bài “Qua đèo Ngang” của vua Lê Thánh Tông, “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quang, “Đăng Hoành Sơn” của Cao Bá Quát, “Đăng Hoành Sơn vọng hải” của Ngô Thì Nhậm, “Quá Hoành Sơn” của Vũ Phạm Hải…
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của bia đá khắc bài thơ ngự chế “Quá Hoành Sơn quan” của vua Thiệu Trị, những năm gần đây, Bảo tàng Hà Tĩnh đã dùng các giải pháp nghiệp vụ, lưu giữ cẩn thận trong kho có mái che, tránh va đập làm xuống cấp nhằm giữ nguyên hiện trạng, đặc biệt là phần chữ Hán khắc trên mặt bia dễ bị hủy hoại do môi trường và con người, góp phần bảo quản lâu dài, phục vụ công tác trưng bày tại một vị trí xứng đáng, giới thiệu thuyết minh nội dung, ý nghĩa của hiện vật ở nhà trưng Bảo tàng Hà Tĩnh mới sắp sửa xây dựng./.
Chú thích:
[1] Theo sách “Văn bia Hà Tĩnh”, Nxb Khoa học Xã hội, năm 2007, tr.389-391.
[2] Theo Tạp chí Phát triển KH&CN, Tập 19, số X3-2016, tr.32.
[3] Bài thơ do PGS Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch.
[4] Theo Tạp chí Phát triển KH&CN, Tập 19, số X3-2016, tr.32.