Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Vào đúng những ngày tết Nguyên Đán Canh Ngọ năm 1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đảng đã công bố 3 cương lĩnh vô cùng quan trọng, làm kim chỉ nam cho suốt quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc.
Vào những năm 1925 - 1929, Việt Nam có tới 03 tổ chức cách mạng cùng hoạt động là: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng.
Trong quá trình hoạt động, các tổ chức này đều ủng hộ Quốc tế Cộng sản và đều tự nhận mình là đảng cách mạng chân chính. Cả ba đều có hệ thống tổ chức từ Tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ đến chi bộ, đều rất tích cực phát triển hội viên, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đồng thời thường xuyên có sự vận động, phát triển để thích ứng với từng giai đoạn lịch sử.
Cho đến tháng 8/1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tách ra lập nên hai bộ phận cộng sản là Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng, cùng tiến hành vận động cộng sản theo chương trình của Đệ tam quốc tế. Ngày 31/12/1929, tại bến Đò Trai, huyện Đức Thọ đã diễn ra cuộc họp với sự có mặt của 8 đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng ở các kỳ bộ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Sau khi định xong tên Đảng là Đông Dương Cộng sản liên đoàn thì các đại biểu bị bắt. Trên đường bị giải từ Đức Thọ vào thị xã Hà Tĩnh, rồi từ thị xã Hà Tĩnh ra Nghệ An, các đảng viên đã thống nhất xong cương lĩnh của Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Nội dung cương lĩnh nêu rõ: “Cải tổ Tân Việt, củng cố Tân Việt trong khi chờ đợi hợp nhất các Đảng trong nước với nhau thì đặt tên là Đông Dương Cộng sản liên đoàn”.
Mặc dù đều giương cao ngọn cờ chống đế quốc, phong kiến, xây dựng chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, nhưng ba tổ chức cộng sản trên đây không tránh khỏi tình trạng tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau. Thậm chí Đông Dương Cộng sản đảng cho An Nam Cộng sản Đảng là hoạt đầu, giả cách mạng; An Nam Cộng sản đảng lại cho Đông Dương Cộng sản chưa thực sự là cộng sản, chưa thật sự Bôn-sê-vích… Những điều này đã gây nên nhiều tổn hại lớn cho bước phát triển của phong trào cách mạng, vừa gây nên sự chia rẻ, nghi ngờ, hoang mang trong quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng xấu đến phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc này. Vì vậy, việc khắc phục sự chia rẽ, phân tán giữa các tổ chức cộng sản là yêu cầu khẩn thiết của cách mạng nước ta, là nhiệm vụ cấp bách trước mắt của tất cả những người cộng sản Việt Nam
Trước tình hình trên, ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi cho những người cộng sản ở Đông Dương một bức thư, yêu cầu các tổ chức cộng sản này phải chấm dứt sự chia rẽ, công kích lẫn nhau, đồng thời xúc tiến việc hợp nhất thành một chính đảng cộng sản duy nhất ở Đông Dương. Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và tuyệt đối khẩn trương của tất cả mọi người cộng sản Đông Dương là phải thành lập một đảng cách mạng của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng. Đảng ấy phải là một đảng thống nhất, một tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”.
Trước đó, vào tháng 6/1928, nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về công tác ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Đức để đi đến Xiêm (Thái Lan) hoạt động. Ở Xiêm được hơn một năm, đến cuối tháng 12/1929, Nguyễn Ái Quốc quay trở lại Trung Quốc để chuẩn bị cho việc hợp nhất các đảng cách mạng Đông Dương.
Từ ngày 3 đến ngày 7/02/1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc.
Thành phần Hội nghị gồm: 1 đại biểu của Quốc tế Cộng sản; 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; 2 đại biểu An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị thảo luận đề nghị của Nguyễn Ái Quốc gồm 5 điểm lớn, với nội dung:
1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương;
2. Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam;
3. Thảo Chánh cương và Điều lệ sơ lược của Đảng;
4. Định kế hoạnh thực hiện việc thống nhất trong nước;
5. Cử một Ban Trung ương lâm thời gồm 9 người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương. Hội nghị nhất trí với 5 điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đây chính là những Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm kim chỉ nam cho suốt quá trình lãnh đạo.
Chánh cương vắn tắt của Đảng nêu rõ: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; Dựng ra chính phủ công nông binh; Tổ chức ra quân đội công nông; Dân chúng được tự do tổ chức; nam nữ bình quyền; Phổ thông giáo dục theo công nông hóa; Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; Thi hành luật ngày làm 8 giờ…
Sách lược văn tắt khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng… Sách lược cũng nhấn mạnh: Trong khi liên lạc các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp, trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp.
Đặc biệt, trong Chương trình tóm tắt, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác. Đảng phổ biến khẩu hiệu "Việt Nam tự do” và đồng thời Đảng liên kết những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới nhất là quần chúng vô sản Pháp”.
Về tôn chỉ, thể lệ, trách nhiệm của đảng viên, Điều lệ vắn tắt nêu: “Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa… Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thời được vào Đảng"; các đảng viên phải tham gia mọi sự đấu tranh về chính trị và kinh tế của công nông; phải thực hành cho được chánh sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản…”.
Để chúc mừng sự kiện thành lập Đảng, chiều ngày 5/02, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức một bữa liên hoan nhỏ tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn, Nguyễn Ái Quốc xúc động nói: “Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lênin vĩ đại đã nói: Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam… Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc thân yêu”.
Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư kêu gọi các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và những người bị áp bức bóc lột gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để cùng: “Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng; Làm cho nước Nam được độc lập; Thành lập Chính phủ công nông binh; Thực hiện ngày làm 8 giờ; Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân; Thực hành giáo dục toàn dân; Thực hiện nam nữ bình quyền…”.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (18/02/1930), Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Công tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên cách mạng tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái.v.v. Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23/12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6/01. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng… Các đại biểu trở về An Nam ngày 8/02”.
Đến ngày 24/02/1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời đã chấp thuận kết nạp tổ chức này vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, đến ngày 24/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam mới hoàn tất việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Tổng số đảng viên toàn Đảng là 211 người.
Như vậy, thành công lịch sử của Hội nghị là đã quy tụ được toàn bộ phong trào công nhân và phong trào yêu nước dưới một ngọn cờ, chấm dứt tình trạng phân chia phong trào Cộng sản ở Việt Nam và thống nhất các tổ chức Cộng sản trong nước thành một Đảng Cộng sản duy nhất, vạch ra đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam cũng như những nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu thắng lợi của hệ tư tưởng cộng sản đối với các hệ tư tưởng phi vô sản trong phong trào dân tộc, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, dẫn dắt phong trào cách mạng của dân tộc ta đi đến mọi thắng lợi, vinh quang.
Ngày nay, hơn chín mươi năm nhìn lại, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò, tầm nhìn của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra một đường lối cách mạng đúng đắn cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và quốc tế.
Những cương lĩnh mùa xuân đầu tiên của Đảng (Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt) đã phản ánh đúng thực tiễn thuộc địa, phản ánh đúng những mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Các văn kiện này đã thể hiện nhãn quan chính trị nhạy bén và sự sáng tạo tuyệt vời của Nguyễn Ái Quốc trong việc áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam. Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”.
Tài liệu tham khảo:
- Mai Văn Bộ (2011), Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, Hà Nội;
- Nguyễn Văn Khánh (2019), Việt Nam 1919 - 1930 thời kỳ tìm tòi và định hướng, Nxb Tri Thức, Hà Nội;
- Hồ Chí Minh toàn tập (1995), Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội;
- Viện Sử học (2017), Lịch sử Việt Nam, Tập 9, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.