Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Làng Nhượng Bạn xưa, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên hôm nay là vùng đất nằm sát bên ngọn sóng, nơi đất liền tiếp giáp với biển cả bao la. Phía đông có núi Tượng Lĩnh, phía bắc là núi Thiên Cầm vững chãi uy nghi. Ngoài khơi xa có đảo Hòn Én, Hòn Bơớc trông giống như bàn tay che chở cho tàu thuyền neo đậu trong mùa bão giông. Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn là câu phương ngữ ngợi khen về một vùng quê biển giàu có, được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh non nước hữu tình.
Biển mặn mòi, nghìn đời sóng vỗ, nuôi sống, chở che cho con người nơi đây suốt hành trình mưu sinh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua hơn 600 năm hình thành và phát triển, cư dân làng Nhượng Bạn sống gắn bó với biển cả, họ chọn nghề đánh bắt hải sản là nghề chính, là nguồn sống của cư dân vùng này. Lúc hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những con thuyền lặng lẽ vươn khơi và trở về khi binh minh lên với tôm cá đầy khoang. Tàu thuyền tấp nập, người mua, kẻ bán nhộn nhịp, tạo nên sắc màu no ấm, phồn thịnh, đẩy lùi sóng gió khơi xa
Không chỉ có tài ra khơi vào lộng, giỏi đánh bắt cá tôm, mà người dân nơi đây còn giỏi nghề chế biến thủy hải sản. Từ nguồn tài nguyên phong phú của biển cả, kết hợp kinh nghiệm của nghề truyền thống với bàn tay khéo léo của con người, biến những nguồn lợi thu được từ biển thành những sản phẩm ngon và mang đậm đặc trưng riêng của Nhượng Bạn mà không nơi nào có được. Các sản phẩm mực khô, cá khô, nước mắm, ruốc (mắm tôm)… đã trở thành đặc sản biển không thể thiếu trong đời sống ẩm thực.
Nghề chế biến thủy hải sản của làng Nhượng được lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ, đó là nét văn hóa đặc trưng của miền quê ven biển. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng ngư dân nơi đây luôn chắt chiu, gạn đục khơi trong, cải tiến kỹ thuật, bí quyết sản xuất và đã xây dựng được nhiều làng nghề chế biến hải sản nổi tiếng, sản phẩm được nhiều nơi ưa chuộng.
Biển bạc không chỉ cung cấp tài nguyên phong phú để nuôi sống con người, mà biển cũng luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm, đặc biệt là những mùa bão giông.
Cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác, đánh bắt hải sản phụ thuộc vào biển với khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và một ước ao trời yên, biển lặng để tàu thuyền ra khơi, vào lộng tôm cá đầy khoang. Trước biển cả bao la, nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân nơi đây thấy mình bé nhỏ, họ luôn mong ước có những vị thần che chở cho cuộc sống bình yên. Vì vậy họ đã lập nên một hệ thống đền, miếu để thờ cúng các vị thần linh, thể hiện nổi khát khao về sự thịnh vượng trong làm ăn và sự yên bình trong đời sống của cư dân.
Về làng Nhượng Bạn sẽ thấy hệ thống đền, chùa, miếu mạo khá nhiều. Có nhiều đền miếu được các đời vua ban sắc phong, như Đền Cả thờ bà Hoàng Càn, Lý Nhật Quang, Bích Châu và Lê Khôi; đền Thượng thờ tướng Nguyễn Thân, đền thờ Ông Đông Đạo, đền ông Trúc Lĩnh, v.v.... Chùa Yên Lạc là ngôi cổ tự lớn nhất ở Cẩm Nhượng, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.
Miếu thờ Nam Hải Nhân Ngư ở thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên được người dân lập cách đây gần 300 năm. Bên cạnh miếu là nghĩa địa có hàng trăm ngôi mộ cá. Gặp cá Ông chết trong những lần đi biển hoặc dạt vào bờ đều được ngư dân chôn cất bằng nghi lễ tôn kính nhất.
Từ trong đời sống, biển đã đi vào tín ngưỡng của người dân một cách tự nhiên, linh thiêng và gần gũi. Họ đã sáng tạo và thực hành các giá trị văn hóa tâm linh như một nhu cầu tất yếu của đời sống, sản xuất. Trong các giá trị đó, đặc sắc nhất là lễ hội Cầu Ngư.
Lễ rước kiệu Đức Ngư Ông trên biển
Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn có lịch sử hình thành từ lâu đời, tương truyền có từ khi lập làng Nhượng Bạn vào thời Trần. Theo nội dung được ghi trên các bản sắc phong còn được lưu giữ tại Miếu Ngư Ông, thôn Phúc Hải thì ít nhất lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn đã có từ thời Nguyễn, cách đây hàng trăm năm. Nội dung 3 sắc phong do các triều vua nhà Nguyễn giao cho xã Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh theo trước mà phụng thờ vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư, thường hiển hiện linh thiêng, hộ quốc tỷ dân với những mỹ tự gia phong và ca ngợi sự rạng rỡ tốt đẹp của thần như Từ Tế Chương Linh, Trợ Tín Trừng Trạm, Uông Nhuận trung đẳng thần.
Hàng năm vào ngày 8 tháng tư âm lịch, nhân dân Nhượng Bạn lại tất bật chuẩn bị tổ chức Lễ hội Cầu Ngư, nhằm cầu mong Nam Hải Nhân Ngư phù hộ cho ngư dân một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống ngày càng ấm no hơn.
Trước khi lễ hội diễn ra, các khâu được chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng. Trong tâm thức của cư dân vùng biển thì lễ hội cầu ngư đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Lễ hội làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, hướng con người trở về với cội nguồn khát vọng sống của mỗi người, đặc biệt là những cư dân gắn bó, thủy chung với biển cả, nơi sóng to, gió lớn. Và khi cuộc sống luôn bị đe dọa thì khát vọng tìm đến sự cứu rỗi, che chở của thế lực siêu nhiên thì bao giờ cũng rất linh thiêng.
Với ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng đó, hàng năm đến kỳ tổ chức lễ hội thuyền bè của ngư dân ngoài khơi đều dong thuyền cập bến để tham gia lễ hội. Bà con làm ăn sinh sống ở khắp mọi miền cũng trở về quê hương để được đắm mình trong không gian hội làng. Không những thế, du khách thập phương đến với bãi biển Thiên Cầm thơ mộng cũng háo hức tìm đến để chiêm ngưỡng lễ hội cầu ngư, một nét văn hóa đặc sắc của vùng biển Hà Tĩnh.
Lễ hội cầu ngư là một sự kiện văn hóa tín ngưỡng quan trọng nhất của xã Nhượng Bạn xưa, Cẩm Nhượng ngày nay và được cộng đồng cư dân vùng lân cận rất quan tâm chờ đợi. Họ chuẩn bị chu đáo trong hàng tháng trời trước khi lễ hội diễn ra.
Dân làng phân công công việc và quyết định phần đóng góp vật chất và con người của các xóm để mua sắm lễ vật dâng lên Đức Ngư Ông; Tổ chức ôn luyện các nghi lễ, diễn xướng và các trò chơi dân gian; chuẩn bị thuyền, quần áo, mũ; dọn dẹp, chỉnh trang, trang trí cờ phướn tại miếu Đức Ngư Ông. Đặc biệt làng còn chọn ra một số người khéo tay, có am hiểu và kinh nghiệm làm châu long thực hiện việc làm thuyền nhỏ được trang trí và sơn nhiều màu sắc để chuẩn bị cho nghi lễ tế trên biển.
Theo quan niệm của người Nhượng Bạn, đối với ban nghi lễ nói chung, người chính tế nói riêng, phải là người có nhiều thâm niên đi biển, khá giả, có tâm huyết với nghề đi biển, đánh bắt được nhiều hải sản, qua đó mới có sự kết nối vô hình với vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư. Ban Tổ chức thành lập một tổ hành lễ bao gồm gồm 9 người, là những người có uy tín, đức cao vọng trọng và kinh nghiệm trong xã để tiến hành nghi lễ trong lễ hội cầu ngư.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày mồng 7 và mồng 8 tháng tư. Nghi lễ chính được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng tư âm lịch, sau khi chọn giờ lành ban tổ chức, ban lễ nghi và cộng đồng cư dân cùng với tàu thuyền quy tụ trước Miếu Ngư Ông để chuẩn bị tiến hành lễ tế Đức Nam Hải Nhân Ngư.
Sau một hồi tiếng trống khai hội, ban nghi lễ thực hiện các bước tế lễ nghiêm trang, tiếp đến là đại diện 11 chi hội nông dân, đại diện các dòng họ và nhân dân lên dâng cúng lễ vật với mong muốn dâng lên Đức Nam Hải Nhân Ngư tấm lòng thành kính của mình, cầu Đức Ngư Ông phù hộ cho tàu thuyền ra khơi được an toàn. Trong lộng, ngoài khơi ngư dân khai thác được nhiều tôm cá, nhà nhà bình yên.
Lễ hội cầu là một lễ hội có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cư dân vùng biển, các làn điệu dân ca, dân vũ có từ bao đời nay được người dân thể hiện tài tình, nổi bật nhất là hò chèo cạn, thể hiện sức sống mãnh liệt của con người trước biển cả. Hò chèo cạn độc đáo trong lễ hội cầu ngư không chỉ là nghi thức tế lễ, mà là không gian nghệ thuật mang đậm bản sắc vùng miền rõ nét nhất.
Hò chèo cạn trong lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn
Khi một hồi trống vang lên, lễ hội bắt đầu bằng màn chèo cạn đứng trước miếu chia thành hai mạn đứng sóng đôi, một bên 5 người nam mặc đồng phục với áo, khăn đỏ, quần vàng, đi chân đất; một bên 5 người nam khác mặc đồng phục với áo, quần vàng, chít khăn đỏ đi chân đất; phía trước là ông tổng mũi, nghệ nhân hò chèo cạn của làng, đội khăn xếp mặc áo xanh và quần trắng. Sau cùng là ông tổng lái, mặc trang phục giống đội chèo, tay cầm cờ phất nhịp. Ở chính giữa là một anh hề mặc đồ nâu, tay cầm gàu, vừa diễn hề, vừa tát nước, tạo không khí vui nhộn. Còn hai anh lái phụ mặc bộ quần áo vàng, chít khăn đỏ, đi chân đất. Màn trình diễn với nội dung xuyên suốt là các ngợi và tạ ơn vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư, xin cho vạn chài được no đủ, quốc thái dân an.
Đội chèo cạn vừa hò vừa chèo, rước kiệu thánh ra sát mép biển, trong âm thanh chiêng trống tưng bừng. Thuyền kiệu rước Đức Ngư Ông chuẩn bị chu đáo, trang hoàng lộng lẫy. Trên bờ bà con ngư dân và du khách thập phương chứng kiến nghi lễ hướng về đoàn thuyền thành kính cầu khấn xin Đức Ngư Ông chứng giám cho lễ bạc lòng thành của dân làng.
Thuyền rời bến theo hướng Đông tiến về hòn Bơớc trong tiếng trống vang trời sóng nước và màu sắc lộng lẫy của đội thuyền làm sáng rực, náo nức cả một vùng biển. Khi tới hòn Bơớc, đoàn thuyền vây quanh chiếc thuyền lớn chở kiệu rước Đức Ngư Ông để tiến hành tế lễ. Đúng giờ hoàng đạo, chiếc thuyền nhỏ được đan bằng tre nứa trang trí quyét sơn công phu, cắm cờ với đủ màu sắc tượng trưng cho thuyền bè ngư dân xã Nhượng Bạn được thả biển để cầu xin Nam Hải Nhân Ngư nhận biết và phù hộ độ trì cho họ ra khơi vào lộng, may mắn, an toàn, đánh bắt được nhiều tôm cá. Nghi lễ thả thuyền tế thần linh trên biển là một nghi thức độc đáo của lễ hội cầu ngư miền biển xứ Nhượng.
Lễ tế trên biển kết thúc, đoàn thuyền lại tiến hành chạy quanh hòn Bơớc, rồi chạy thành hàng theo hướng về miếu Ngư Ông để chuẩn bị tiến hành chính tế. Trên bờ đông đảo bà con ngư dân hân hoan đón đoàn với dự cảm một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.
Trong quá trình diễn ra lễ hội cầu ngư là thời gian rạo rực niềm vui hội làng, người dân tìm cho mình giây phút thư thái sau những ngày lao động trên biển, dưới bờ. Trong không khí linh thiêng của lễ hội cầu ngư những giá trị văn hóa dân tộc được tôn vinh, nét đẹp truyền thống của làng biển cũng từ đó được bảo tồn, phát huy và trao truyền từ thế hệ nay sang thế hệ khác. Các loại hình trò chơi dân gian như đi cà kheo, đánh cờ người, đánh tôm điếm và đua thuyền truyền thống được nhân dân tổ chức, tạo nên không khí lễ hội rộn ràng, ấm áp và là sợi giây cố kết cộng đồng, giúp dân làng đoàn kết, gắn bó chia sẻ nếp sống văn hóa làng xã được củng cố phát huy.
Sự thành tâm hướng về nguồn cội thật sâu sắc, với mong muốn dâng lên thần linh tấm lòng thành kính của mình để cầu mong sự che chở cho tàu thuyền ra khơi an toàn, đánh bắt được nhiều tôm cá, con người khỏe mạnh và xóm làng yên vui, thịnh vượng.
Biển bình yên, lòng người bình yên, thông qua lễ hội cầu ngư càng tăng thêm động lực hun đúc lòng tự hào, tình yêu quê hương, niềm vui lao động của bà con ngư dân Nhượng Bạn. Lễ hội cầu ngư là nét chấm phá độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.