Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Xã Kiệt Thạch (竭石社) hiện là xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Xã Kiệt Thạch dưới thời Lê Sơ thuộc huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An; dưới thời Nguyễn từ năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua chỉ dụ ở đâu có địa danh là chữ "thiên" (天) phải đổi chữ khác để tỏ lòng kính trời, do đó, huyện Thiên Lộc (天禄縣) đổi thành huyện Can Lộc (干禄縣), từ đó, xã Kiệt Thạch thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Xã bao gồm các làng Kỳ Trúc, Yên Hợp, Yên Mỹ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn là xã Kiệt Thạch. Năm 1949, cùng với các xã Độ Liêu, Thổ Vượng thành lập xã Hồng Minh. Năm 1954 chia xã Hồng Minh thành 3 xã Minh Lộc, Thanh Lộc, Vượng Lộc. Xã Thanh Lộc có 5 xóm gọi theo số thứ tự từ 1-5 gồm xóm 1 (Yên Mỹ), xóm 2 (Văn Lâm), xóm 3 (Thạch Tĩnh), xóm 4 (Thạch Cừ), xóm 5 (Yên Hợp). Xã Thanh Lộc, phía bắc giáp phường Đậu Liêu và xã Thuận Lộc (đều thuộc thị xã Hồng Lĩnh), phía đông giáp xã Vượng Lộc, phía nam giáp xã Khánh Vĩnh Yên, phía tây giáp xã Kim Song Trường[1].
Xã Kiệt Thạch xưa, Thanh Lộc ngày nay là vùng đất có truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học, "tôn sư trọng đạo" tự lâu đời. Coi việc học hành là con đường rộng mở để theo đuổi sự nghiệp dấn thân thành công vào hoạn lộ của những con người có chí hướng. Đây là vùng đất văn hiến mở mang cho mọi người. "Tuấn kiệt đông đúc chờ thời, ngóng đợi ánh dương đỉnh Thứu sơn, nguồn chảy Kỳ thủy. Khi ấy văn học phồn đa. Nhân tài lớp lớp đỗ bảng vàng. Các đời danh hiệu vẻ vang, sáng rạng tông tộc, phù giúp đế vương có công lao. Lại có phúc lành, huân danh sáng tựa sao đẩu mà nay vẫn tỏa rạng"[2]. Đã từ lâu, đất Kiệt Thạch có câu: "Kiệt Thạch tam khoa, tam tiến sĩ" để nói về ba người con ưu tú của xã Kiệt Thạch đỗ Tiến sĩ vào thời Lê Sơ, đó là Hoàng Hiền, Nguyễn Cung và Thái Kính.
1. Hoàng Hiền (1444 - ?)
Hoàng Hiền (黃賢), hiệu là Liêm Mận tiên sinh, sinh khoảng năm Canh Tý (1444). Là người chăm chỉ, học giỏi, thông minh nên 17 tuổi, trong kỳ thi hương 3 năm tổ chức một lần, ông đỗ Hương cống năm Tân Tỵ (1461), niên hiệu Quang Thuận, đời vua Lê Thánh Tông. Tuy học giỏi nhưng các lần đi thi Hội ông đều không đỗ tiến sĩ. Vì thế, ông đổi lấy quê mẹ là bà Nguyễn Thị Quý, xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc làm quê quán để tiếp tục đi thi[3]. Đến lúc năm 34 tuổi, ông mới đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 44 trong đệ tam giáp tại khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức năm thứ 9 (1478).
Sau khi đỗ Tiến sĩ, Hoàng Hiền được triều đình Lê Sơ bổ dụng làm quan và ông đã có nhiều đóng góp cho các đời vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Ông từng làm Án sát sứ, là chức quan đứng đầu Hiến ty ở các đạo, có nhiệm vụ điều tra, xét duyệt công trạng các quan lại trong triều đình. Sau đó, ông làm quan đến chức Lễ khoa cấp sự trung, thực hiện việc kiểm tra các công việc của bộ Lễ mang chức Tả thị lang, là quan phó của Thượng thư bộ Lễ, trật Tòng tam phẩm.
Bia Khoa giáp bi chí dựng năm Ất Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (1755) có ghi:
Nguyên văn chữ Hán
本朝洪德九年戊戌科中第三甲同進士出申黃賢竭石社名在第三甲之四十四仕至左侍郞.
Phiên âm
Bản triều Hồng Đức cửu niên Mậu Tuất khoa trúng đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Hoàng Hiền, Kiệt Thạch xã danh tại đệ tam giáp chi tứ thập tứ, sĩ chí Tả thị lang.
Dịch nghĩa
Hoàng Hiền, quê xã Kiệt Thạch, đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, năm Hồng Đức thứ 9, đứng vị trí thứ 44 của đệ tam giáp, làm quan đến chức Tả thị lang[4].
Là người học rộng, tài cao, có nhiều công tích phò vua giúp nước, Hoàng Hiền khi sống được các triều Lê ban sắc phong chức và khi mất triều Nguyễn ban sắc phong thần cho làng Hạ Tứ, xã Bùi Xá, phủ Đức Quang, quê cha thờ phụng với tư cách là vị thành hoàng của làng. Bài phú họ Hoàng, xã Bùi Xá ca ngợi ông: “Đứng về mặt khoa giáp thì đã có người đến bệ kiến sân rồng, những người làm quan thì mở mặt, mở mày ở chốn kinh thành”, hay Bia văn chỉ thì ghi “Khí thiêng sông núi hun đúc nên văn chương đức nghiệp của tướng công. Triều trước 3 khoa 3 tiến sĩ mà tướng công lại là người dựng cờ hồng trước vậy. Tiếng vang trong triều, ngoài quận, danh vọng trác việt còn ở bia văn chỉ này thì tướng công vào bậc cự phách”.
Sắc phong triều vua Khải Định ghi nhận công “hộ quốc, tý dân” và phong thần cho Hoàng Hiền như sau:
Nguyên văn chữ Hán
勅河静省德壽府裴舍社下泗村奉事黎朝戊戌科同進士出申禮部左侍郞黄相公尊神護國庇民念著靈應肆今正值眹四旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登秩著封爲端肅翊保中興尊神隼其奉事神其相佑保我黎民欽哉.
啟定玖年柒月貳拾五日
Phiên âm
Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Đức Thọ phủ, Bùi Xá xã, Hạ Tứ thôn phụng sự Lê triều Mậu Tuất khoa đồng Tiến sĩ xuất thân Lễ bộ Tả thị lang Hoàng tướng công tôn thần, hộ quốc tý dân, niệm trứ linh ứng tứ kim chính trị, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật trứ phong vi Đoan túc Dực bảo trung hưng tôn thần, chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa
Sắc cho thôn Hạ Tứ, xã Bùi Xá, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ Hoàng tướng công tôn thần, đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất triều Lê, chức Tả thị lang bộ Lễ, hộ nước giúp dân đã từng linh ứng. Nay Trẫm mừng thọ tuổi 40, ban chiếu gia ân nâng phẩm cấp Đoan túc Dực bảo trung hưng tôn thần, sắc phong dân làng phụng thờ để bảo hộ cho dân. Vậy kính thay!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
2. Nguyễn Cung (1448 - ?)
Nguyễn Cung (阮龔) sinh năm Thái Hòa thứ 4 (1448), đời vua Lê Nhân Tông, người xã Kiệt Thạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, nay thuộc xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình quan lại ở kinh đô Thăng Long. Ông có cha tên là Nguyễn Thế Gia làm đến chức Hiến sát sứ ty, là thủy tổ họ Nguyễn Đình xã Kiệt Thạch. Mẹ tên là Lê Thị Nhiêu.
Thủa bình sinh, Nguyễn Cung tỏ rõ là người có tư chất thông minh, tuấn tú, lại hiếu học. Ông theo học chữ Hán khi còn rất nhỏ. Khi thấy đủ tiêu chuẩn dự thi, ông tham gia các kỳ thi hương, thi hội, đỗ Sinh đồ, Hương cống. Năm 45 tuổi, ông đi thi dành bảng vàng ở kỳ thi đình được tổ chức tại sân điện, do nhà vua đích thân ra đề ở kinh đô Thăng Long. Trong kỳ thi này, ông đã xuất sắc đỗ Hoàng giáp và được đức vua trọng vọng ban tặng áo mũ, thết tiệc, các hồng lô làm lễ xướng danh ở nhà Thái học, được ghi tên vào bảng vàng treo ở cửa Đông hoa trước khi về quê làm lễ vinh quy bái tổ. Như vậy, theo chế độ khoa cử thời Lê Sơ, sự nghiệp hoạn lộ của ông trở nên rộng mở. Ông được triều đình cử làm quan đến chức Thừa chánh sứ. Bia Khoa giáp bi chí dựng năm Ất Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (1755) tại nhà thờ họ Hoàng, xóm 5 (xóm Yên Hợp), xã Thanh Lộc có đoạn:
Nguyên văn chữ Hán
洪德二十四年癸丑科中第二甲進士出身阮龔,竭石社名在二甲之三,仕至承政使司.
Phiên âm:
Hồng Đức nhị thập tứ niên Quý Sửu khoa trúng đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Nguyễn Cung, Kiệt Thạch xã danh tại nhị giáp chi tam, sĩ chí Thừa chánh sứ ty.
Dịch nghĩa
Nguyễn Cung đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), quê xã Kiệt Thạch, đứng thứ 3 trong Đệ nhị giáp, làm quan đến chức Thừa chánh sứ ty[5].
Tham khảo các sách Văn bia Hà Tĩnh, Từ điển Hà Tĩnh, Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh chỉ biết Nguyễn Cung làm quan đến chức Thừa chánh sứ, chứ không biết ông làm quan ở đạo thừa tuyên nào và làm quan trong bao lâu. Tuy nhiên, nghiên cứu gia phả họ Nguyễn Đình (xã Thanh Lộc) cho chúng ta thấy, từ 1493 đến 1513, ông được bổ làm Tổng Chánh sứ Nghệ An, tước Định Lộc hầu. Từ 1517, ông làm quan Thừa chánh sứ Hải Dương vào thời kỳ lịch sử biến động nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê. Tình hình chính trị rối ren buộc cha con ông di cư từ xã Cẩm La, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương về sống ở chân núi Sạc Sơn, xã Kiệt Thạch.
Ở thời đại của Nguyễn Cung, chức quan thừa chánh sứ, tương đương với chức quan tòng tam phẩm, làm việc ở Thừa chánh sứ ty (gọi tắt là Thừa ty) phụ trách công việc dân sự ở đạo thừa tuyên bên cạnh Đô tổng binh sứ ty (gọi tắt là Đô ty) phụ trách quân đội, Hiến sát sứ ty (gọi tắt là Hiến ty) phụ trách việc thanh tra quan lại trong đạo của mình. Đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), đạo thừa tuyên là đơn vị hành chính địa phương cao nhất, sau đó mới đến các phủ, huyện, châu và xã. Đứng đầu phủ có tri phủ, đứng đầu huyện, châu có tri huyện, tri châu, đứng đầu xã có xã trưởng. Trong ba cơ quan ở đạo thừa tuyên, cơ quan thừa chánh sứ ty là quan trọng nhất, là vị trưởng quan hành chính cao nhất ở địa phương. Bởi bản thân tên gọi của nó mang ý nghĩa "thừa mệnh bố cáo mệnh lệnh của Hoàng đế". Dưới thừa chánh sứ có hai chức phó giúp việc là tham chính và tham nghị. Thừa chánh sứ có thể thăng lên chức thị lang, thậm chí chức thượng thư trong sáu bộ ở trung ương. Ngược lại, trong một số trường hợp, thừa chánh sứ có thể do viên thị lang hay thượng thư ở lục bộ kiêm nhiệm.
Hiện nay vẫn chưa thấy tài liệu nào cho biết ngày, tháng, năm mất của Nguyễn Cung nhưng từ xưa tới nay, dòng họ Nguyễn Đình lấy ngày đông chí hàng năm làm ngày giỗ ông.
Sắc phong thần cho Tiến sĩ Thái Kính
Thái Kính (1478 -?)
Thái Kính (蔡敬) sinh năm Mậu Tuất, đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), người xã Kiệt Thạch, xã Thiên Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, nay là xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Về sau dời về thôn Nham Xá, xã Đậu Liêu, nay là xóm 7, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Thân phụ ông là Thái Di Kiên đỗ Hương cống, làm quan đến chức Tri huyện Đồng Thành – Nghệ An.
Thửa nhỏ, ông theo học thầy đồ trong làng, hiếu học và học giỏi lại được sự kèm cặp của cha. Khoa thi Hội Tân Mùi, đời vua Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), ông đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, đứng hạng 3 trong đệ tam giáp.
Sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Thái Kính trải qua các chức quan như Thừa chánh sứ Thuận Hóa, Hữu thị lang bộ Hình. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đời vua Lê Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 5 (1520), vua sai Thái Cảnh làm Thừa chánh sứ Thuận Hóa thay cho Phạm Khiêm Bính”[6]. Khoa giáp bi chí ghi:
Nguyên văn chữ Hán
洪順二年辛未科中第三甲同進士出申蔡敬竭石社名在第三甲之三仕至刑部右侍郞.
Phiên âm
Hồng Thuận nhị niên Tân Mùi khoa trúng đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Thái Kính, Kiệt Thạch xã, danh tại đệ tam giáp chi tam sĩ chí Hình bộ Hữu thị lang.
Dịch nghĩa
Thái Kính quê xã Kiệt Thạch, đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi, năm Hồng Thuận thứ 2, đứng thứ 3 trọng đệ tam giáp, làm quan đến Hữu thị lang bộ Hình[7].
Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527) lập ra nhà Mạc, Thái Kính xin cáo quan về nhà đọc sách, giúp đỡ gia đình, quê hương. Hiện nay không rõ năm mất của ông. Phần mộ ông hiện nay ở núi Bạch Tỵ, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.
Nhớ tới công lao của ông đối với quê hương, đất nước, nhiều đời vua đã ban sắc phong giao cho nhân dân địa phương thờ phụng, trong đó có 2 sắc phong hiện còn của vua Khải Định phong cho Thái Kính là trung và thượng đẳng thần.
Sắc 1:
Nguyên văn chữ Hán
勅河静省天祿縣岩舍村奉事黎朝進士銓北京等處贊治承政使司贈刑部侍郎蔡相公之神護國庇民念著靈應肆今丕承耿命缅念神庥著封爲光懿翊保中興中等神隼其奉事神其相佑保我黎民欽哉.
啟定貳年參月拾八日
Phiên âm
Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Thiên Lộc huyện, Nham Xá thôn phụng sự Lê triều Tiến sĩ thuyên Bắc kinh đẳng xứ tán trị Thừa chánh sứ ty tặng Hình bộ thị lang, Thái tướng công chi thần, hộ quốc tý dân nậm trứ linh ứng tứ kim phỉ thừa cảnh mệnh diến niệm thần hưu trứ phong vi Quang ý dực bảo trung hưng Trung đẳng thần, chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Khải Định nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật.
Dịch nghĩa
Sắc phong cho thôn Nham Xá, Thiên Lộc huyện, tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ Tiến sĩ triều Lê, Bắc kinh đẳng xứ tán trị Thừa chánh sứ ty, tặng hình Bộ Thị lang Thái tướng công chi thần, giúp nước bảo vệ dân hiện rõ linh ứng. Nay nhớ tới sự tốt lành của thần mà phong là Quang ý Dực bảo trung hưng Trung đẳng thần, chuẩn cho phụng thờ để thần giúp nước bảo vệ dân ta. Kinh thay!
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917).
Sắc 2:
Nguyên văn chữ Hán
勅河静省天祿縣度遼社岩舍村從前奉事原贈光懿翊保中興黎朝進士贊治承政使刑部右侍郎蔡相公尊神護國庇民念著靈應節蒙頒給勅封隼許奉事肆今正直眹四旬大慶節陘頒寶詔覃恩禮隆登秩加贈卓偉上等神特隼奉事而申祀典欽哉.
啟定玖年柒月貳拾五日.
Phiên âm
Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Thiên Lộc huyện, Đậu Liêu xã, Nghiêm Xá thôn tòng tiền phụng sự nguyên tặng Quang ý Dực bảo trung hưng Lê triều Tiến sĩ tán trị Thừa chánh sứ ty Hình bộ Hữu thị lang Thái tướng công tôn thần, hộ quốc tý dân nậm trứ linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự tứ kim chính trực, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban báu chiếu đàm ân lễ long đăng trật gia tặng Trác vĩ Thượng đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa
Sắc cho thôn Nham Xá, xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh từ trước tới nay phụng thờ nguyên tặng Quang ý Dực bảo trung hưng Tiến sĩ triều Lê, tán trị Thừa chánh sứ ty, Hình bộ Hữu thị lang Thái tướng công tôn thần, giúp nước, bảo vệ dân hiện rõ linh ứng đã từng ban cấp sắc phong chuẩn thờ. Đến nay gặp lúc lễ mừng tứ tuần đại khánh của Trẫm, ban bảo chiếu ơn sâu, lễ long nâng bậc, gia tặng Trác vĩ Thượng đẳng thần, đặc chuẩn phụng thờ để ghi nhớ lễ mừng của nước và nêu rõ lễ tế tự. Kính thay!
Ngày 27 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Các danh nhân Hoàng Hiền, Nguyễn Cung và Thái Kính sống và làm quan trải qua các đời vua thời Lê Sơ. Thời kỳ Lê Sơ, đặc biệt là giai đoạn đầu là thời kỳ phát triển đỉnh cao chế độ phong kiến trung ương tập quyền của quốc gia Đại Việt về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Thời kỳ này có nhiều tư tưởng về giáo dục nhân tài hết sức nhân văn và sâu sắc đến ngày nay vẫn nguyên giá trị. Đó là việc coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết..."[8]. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: "khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức (1470 - 1497). Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp... Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém"[9].
Tam vị đại khoa thời Lê Sơ xã Kiệt Thạch là những người có tài và có năng lực. Dù trải qua thời kỳ nào trong cuộc đời, ở vị trí nào, các ông cũng luôn là những người vượt trội về khả năng quản lý, xứ lý công việc hợp tình, hợp lý, do đó được triều đình tin tưởng, nhân dân tin yêu, kính trọng và đáp lại, họ luôn hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc. Việc các ông nhờ tài năng và học hành chăm chỉ mà đỗ đạt cao đã được chính quyền đương thời trọng dụng và phát huy được phẩm chất của mình trong việc giúp vua trị nước, là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo học tập, góp phần tạo nên truyền thống học hành khoa bảng của xã Kiệt Thạch xưa, Thanh Lộc ngày nay. Tuy nhiên, các ông không phải là hiện tượng hiếm thấy lúc bấy giờ ở xứ Nghệ An xưa (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay). Dưới thời Lê Sơ, ngoài các ông còn có nhiều người quê Hà Tĩnh đỗ đại khoa mang vinh quang về gia đình, dòng họ và quê hương như Nguyễn Hộc, Phan Viên, Dương Chấp Trung, Nguyễn Tôn Khiêm, Lê Quảng Chí, Lê Quảng Ý, Nguyễn Tâm Hoằng, Nguyễn Tắc Trung, Nguyễn Tất Bột, Hà Công Trình, Phạm Ngữ, Trần Đức Mậu, Nguyễn Kính Hài, Phạm Nại, Phan Ứng Toản, Hoàng Ngạn Chương, Trần Viêt Thứ, Trần Bảo Tín, Phan Chính Nghị...Việc đỗ đạt ở thời kỳ này phát đạt như vậy thể hiện đời sống dân trí của người dân Hà Tĩnh lúc bấy giờ tương đối cao, ngày càng được cải thiện, Nho học đang ở trong giai đoạn cực thịnh. Mặt khác, nó cũng thể hiện các chính sách về giáo dục của chính quyền phong kiến thời Lê Sơ về mở mang dân trí, kén chọn người tài ra giúp dân, giúp nước đang phát huy tác dụng đến tận cộng đồng làng xã xa kinh thành Thăng Long, góp phần không nhỏ trong việc chấn hưng đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội sau một thời gian dài đất nước phải chìm đắm trong cảnh binh đao dưới ách đô hộ tàn bạo của giặc Minh xâm lược./.
Chú thích:
[1]Từ điển Hà Tĩnh, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, năm 2000, tr.680,681.
[2] Văn bia Hà Tĩnh, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2017, tr.64.
[3] Trong văn bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, Bia Khoa giáp bi chí ở xã Thanh Lộc – Can Lộc đều ghi Hoàng Hiền, người huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, tức quê mẹ Hoàng Hiền chứ không phải quê cha ông là huyện La Sơn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An.
[4] Sđd, tr.63-65.
[5] Văn bia Hà Tĩnh, Nxb Khoa học Xã hội, năm 2017, tr.64, 65.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, Nxb Khoa học xã hội, năm 1973, Hà Nội, tr.103.
[7] Văn bia Hà Tĩnh, sđd, tr.63-65.
[8]Trích lời của Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1418 - 1499) tại bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) được dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.
[9]Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Nxb Sử học, 1961, tr.12.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Phi Công (2015), Hồ sơ Di tích lịch sử - văn hóa Nhà thờ Nguyễn Cung, xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh lưu tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Trần Hồng Dần (2010), Hồ sơ Di tích lịch sử - văn hóa Nhà thờ họ Hoàng Hạ Tứ, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lưu tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Thái Kim Đỉnh (2004), Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh (từ đời Trần đến đời Nguyễn), Hội LHVHNT Hà Tĩnh. Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh (2017), Văn bia Hà Tĩnh, Nxb Khoa học xã hội. Võ Hồng Huy (Chủ biên – 2013), Địa chí huyện Can Lộc, Nxb Nghệ An. Ngô Sĩ Liên (1973), Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Nguyễn Trí Sơn (2008), Nhà thờ Thái Kính, xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh lưu tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Bùi Thiết (2000), Từ điển Hà Tĩnh, Sở VHTT Hà Tĩnh. Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Văn bia Hà Tĩnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Ngô Đức Thọ (Chủ biên – 2002), Văn bia Văn miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ, Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám.