Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Hà Tĩnh là một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ Việt Nam, có hệ thống sông ngòi khá dày đặc và có đường bờ biển dài, là điều kiện thuận tiện giao thông đường thủy với nhiều thương cảng được hình thành trong lịch sử. Thương cảng ở Hà Tĩnh chủ yếu tập trung ở các cửa biển và hai bên bờ sông lớn thuận tiện và có tiềm năng hoạt động và vai trò kinh tế như việc giao thương, trung chuyển, xuất nhập khẩu người, hàng hóa trong và ngoài nước. Các của biển - thương cảng cổ Hà Tĩnh như Hội Thống, Cửa Sót, Cửa Nhượng và Cửa Khẩu đến nay vẫn có vai trò rất quan trọng, là lợi thế để tỉnh Hà Tĩnh tăng trưởng kinh tế, là động lực để các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển, là cửa ngõ giao lưu đưa địa phương hội nhập với khu vực và thế giới.
Hà Tĩnh là một dải đất hẹp, có tọa độ địa lý từ 17054’ đến 18050’ vĩ độ Bắc và từ 103048’ đến 108000’ kinh Đông. Phía bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía đông giáp biển Đông, phía nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Địa hình Hà Tĩnh khá phong phú và đa dạng, gồm có đồi núi chủ yếu về phía tây, biển ở phía đông và đồng bằng xen kẻ giữa núi và vùng biển.
Tài nguyên động thực vật Hà Tĩnh rất đa dạng. Thảm thực vật có trên 86 họ và 500 loài gỗ, nhiều loại động vật quý hiếm với các khu bảo tồn Kẻ Gỗ, Vũ Quang; hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.
Khoáng sản Hà Tĩnh ở các huyện đều có như: sắt, ti tan, măng gan, than đá, trong đó mỏ sắt Thạch Khê - Thạch Hà có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á với 544 triệu tấn.
Hà Tĩnh có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, chủ yếu chảy từ Tây sang Đông. Hiện có 30 con sông lớn nhỏ dài trên 400km, trữ lượng 9-10 tỷ m3 mỗi năm. Sông La do hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố hợp thành. Sông Cửa Sót là hợp lưu của sông Nghèn và sông Rào Cái. Sông Cửa Nhượng hợp lưu của sông Gia Hội và sông Rác. Sông Cửa Khẩu là hợp lưu của sông Trí và sông Quyền.
Biển Hà Tĩnh có diện tích thềm lục địa 18.400km2, nhiều cửa lạch và đảo thuận tiện cho giao thông đường thủy. Ven bờ biển có nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng cảng như: Xuân Hải, Hộ Độ, Cửa Nhượng, Cửa Hội; đặc biệt là cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương đủ điều kiện tiếp nhận tàu trên 35 vạn tấn.
Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt có bề dày lịch sử - văn hóa. Thời kỳ tiền sơ sử, Hà Tĩnh đã có người sinh sống. Họ tụ cư ở sườn đồi núi, gần sông suối, bờ biển thuận tiện cho việc sinh sống, đánh bắt, hái lượm. Đến thời kỳ Bắc thuộc, Hà Tĩnh chứng kiến Mai Thúc Loan tiến hành cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại sự áp bức đô hộ của nhà Đường. Đến thời kỳ độc lập tự chủ, thời Tiền Lê, Lý, Trần, Hà Tĩnh là vùng biên viễn, phên giậu của quốc gia Đại Việt, giáp với đất nước Chiêm Thành nên là nơi có sự giao thoa tiếp biến văn hóa khá rõ nét. Đầu thế kỷ 15, nhiều vùng đất của Hà Tĩnh như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Sơn là căn cứ địa, đất đứng chân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại quân Minh xâm lược do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo, nhân dân Hà Tĩnh hưởng ứng trong đó phải kể đến Nguyễn Biên, Nguyễn Tuấn Thiện, Trần Thị Ngọc Hào,... Thế kỷ16-17, Hà Tĩnh là bãi chiến trường ác liệt của cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn. Thời kỳ thế kỷ 13-17, Hà Tĩnh cũng là nơi giao thương buôn bán trong và ngoài nước khá tấp nập. Thời kỳ Tây Sơn, Hà Tĩnh cũng có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Thanh. Thời Nguyễn, Hà Tĩnh có nhiều danh nhân làm rạng danh quê hương đất nước như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Thời Cần Vương, Hà Tĩnh là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống Pháp do Đình Nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng lãnh đạo. Thời kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), miền thượng Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang là an toàn khu. Thời chống Mỹ (1954 – 1975), Hà Tĩnh là nơi có các tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần thống nhất đất nước.
Điều kiện tự nhiên và nhân văn như vậy đã góp phần tạo nên cho Hà Tĩnh các thương cảng cổ lớn: Hội Thống, Cửa Sót, Cửa Nhượng và Cửa Khẩu. Dưới thời phong kiến, phương tiện giao thông phục vụ thương mại, buôn bán, chuyên chở người và hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy. Hệ thống các con sông đổ ra biển qua cửa biển – thương cảng cổ giữ vai trò rất quan trọng trong quan hệ giao thương buôn bán. Vì vậy, dọc các bờ sông, người xưa đã có xây dựng nhiều chợ quê, là trung tâm thương mại trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền ngược và miền xuôi.
Cửa Hội - Nghi Xuân
Thương cảng Hội Thống xưa còn có tên gọi cửa biển Đan Nhai (Đan Nhai hải môn), Đơn Hay hay Đan Thai, nằm ở tọa độ 180N45’38,8”, 450E37,7’, rìa cực bắc của tỉnh Hà Tĩnh, phía đông là biển Đông, phía bắc là xã Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, phía nam là xã Xuân Hội (Hội Thống), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chỗ rộng nhất của Cửa Hội hiện nay là 1,58km, chỗ cửa biển ngoài cùng là 1,14km. Diện tích cửa biển khoảng 8km2, khá rộng thuận tiện cho tàu thuyền ra vào.
Về ngoại thương thời Trần, nước ta đã có quan hệ với các nước Trung Quốc, Chiêm Thành, Chân Lạp, Chà Và …. Ban đầu chỉ được phép buôn bán ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Dần dần, do nhu cầu phát triển kinh tế, hàng hóa mà các thuyền buôn được cập bến Vân Đồn, Xích Đằng (Khoái Lộ), Hội Triều (Thanh Hóa), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An)…[1]. Khảo cổ học năm 2016 đã phát hiện tại khu vực Đồng Sú, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân phát hiện được một lớp dày, gồm nhiều loại hình di vật có niên đại từ thế kỷ 13-15 và xung quanh đó: xứ Đầu Cồn, Quang Phòng, Phần Long, Phần Ly, Phần Quy, Phần Phượng… đều có rải rác gốm sứ, sành thế kỷ 13 – 18. Nhiều mảnh gốm men ngọc, men nâu, men trắng vẽ lam và có lò sành, gạch ngói đặc trưng thời Trần. Vào thời kỳ này, nơi đây không chỉ là nơi diễn ra quá trình giao thương buôn bán mà có thể đã có kiến trúc sử dụng gạch và ngói mũi lá. Những kiến trúc này có thể là nhà ở của thương nhân, hay dinh thự của chính quyền nhà nước và cũng được thể hiện bằng địa danh Quang Phòng ở khu vực này [2]. Như vậy, thương cảng cổ Hội Thống xuất hiện ít nhất vào thế kỷ 13 (thời Trần).
Danh xưng Hội Thống có lẽ xuất hiện vào thời Lê Sơ và tồn tại suốt thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Vào thời Lê Sơ, triều đình hạn chế buôn bán với ngoại quốc, một phần xuất phát từ nhu cầu tự vệ và thực hiện chính sách trọng nông việc buôn bán hàng hóa với ngoại quốc chỉ dừng lại ở các cửa biển, không cho vào nội trấn. Lúc bấy giờ, cửa biển Hội Thống cũng là thương cảng nằm trong số đó. Nguyễn Trãi trong “Dư địa chí” được biên soạn vào năm 1435 có ghi: Tất cả người ngoại quốc không được tự tiện vào trong nội trấn, tất cả đều phải ở Vân Đồn, Vạn Ninh (Quảng Ninh), Cần Hải, Hội Thống (Nghệ An), Hội Triều (Thanh Hóa), Thông Lĩnh, Phú Lương (Thái Nguyên), Tam Kỳ (Tuyên Quang), Trúc Hoa. Ở Nghi Xuân có câu “Ló (lúa) Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống”. Hội Thống đã trở thành thương cảng phát triển khá thịnh đạt vào thế kỷ 16-18. Hội Thống là điểm trung chuyển hàng hóa từ các địa phương khác và từ các tàu buôn khác của Trung Quốc, Nhật Bản vào nội địa dọc bờ sông Lam đến phố cổ Phù Thạch (Hà Tĩnh), Lam Thành (Nghệ An) nơi tập trung nhiều Hoa kiều và người Nhật Bản làm ăn buôn bán và tỏa đi các chợ quê. Như vây, lúc bấy giờ, kinh tế hàng hóa và trao đổi tiền tệ tương đối phát triển và diễn ra khá sôi nổi.
Hàng hóa giao thương ở thương cảng Hội Thống cũng khá phong phú và đa dạng. Ngoài đồ gốm, các mặt hàng như nước mắm Hội Thống loại thượng hạng, nón viên cơ (nón Nghệ), trầm hương, xạ hương, sa nhân, quế Quỳ… của xứ Nghệ cũng các thuyền buôn qua các thương cảng sông Lam xuất đi phố Hiến, Kẻ Chợ. Ngược lại, họ mang về các thứ thuốc Lào, thuốc bắc, gạo Tám thơm, nếp thơm, giấy bút tàu, thuốc nhuộm Tàu, quạt tàu…[3]
Trong mối quan hệ giao thương với Nhật Bản, đặc biệt là thời kỳ Châu Ấn thuyền (1603 – 1635). Các châu ấn thuyền (Shuinsen) được chính quyền Mạc phủ Tokugawa cấp giấy phép, đóng dấu đỏ cho đi buôn bán với các nước Đông Nam Á. Theo nguồn thư tịch hiện lưu trữ tại Nhật Bản, vào thời kỳ Châu ấn thuyền, tháng 6 năm 1610, có một còn tàu của Nhật Bản đang trên đường vào buôn bán đã bị đắm chìm tại của biển Đan Nhai (Hội Thống), được quan Văn Lý hầu Trần Tịnh, người làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn, nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bỏ gia sản cứu trợ cho 105 người trên thuyền, giúp đỡ họ đóng thuyền để trở về Nhật Bản.
Cửa Sót - Lộc Hà
Thương cảng Cửa Sót hiện nằm ở vị trí giáp giới giữa hai huyện Thạch Hà và Lộc Hà có tọa độ 18027’54” độ vĩ Bắc và 105055’30” độ kinh Đông, xưa còn được gọi là cửa Nam Giới (Nam Giới hải môn) hay Cửa Luật (khi chảy qua làng Dương Luật, phía nam Rú Bể). Lạch Sót thu nhận nước từ ba con sông: Nghèn - Hà Hoàng, Cày và Rào Cái. Đò Điệm là khúc sông sâu nhất của đoạn sông này, nên tàu thuyền đỗ ở Vũng Ông, trước Đền Chiêu Trưng (xã Thạch Bàn - Thạch Hà). Có giai đoạn, Vũng Ông (hay còn gọi là Vũng Rồng) là một thương cảng, tàu buôn thường vào cập bến trao đổi hàng hóa. Theo Đại Nam nhất thống chí, Cửa Sót rộng 37 trượng, thủy triều lên sâu 8 thước, trước kia thuyền phương Bắc sang ta thường đậu ở đây. Còn hiện nay, Cửa Sót rộng 700m, phía trước có một cồn cát tại phao số 2; nếu nạo vét được thì tài 4 vạn tấn có thể vào đậu được tại Vũng Ông. Lưu lượng nước lúc nước lớn nhất lên đến 3800m3/s thuận lợi cho việc tàu thuyền ra vào. Cửa Sót xưa chảy qua làng Dương Luật, phía nam rú Bể, giữa Nam Giới và Hòn Mốc, hướng đông nam của sông Nghèn – Hà Hoàng. Về sau sông Nghèn bị đoạt dòng ở Phù Thạch, lượng nước yếu dần. Đồng thời, sông Rào cái từ Ngàn Mọ đổ về mạnh hẵn lên ép dòng chảy đổi hướng [4].
Cửa Nhượng - Cẩm Xuyên
Thương cảng Cửa Nhượng xưa còn gọi là cửa Kỳ La, ở phía bắc núi Thiên Cầm thuộc xã Kỳ La. Về sau, xã này chuyển về phía nam thuộc xã Nhượng Bạn nên mới có tên là Cửa Nhượng với tọa độ 10607’30” kinh độ Đông, 18015”40’ vĩ độ Bắc, nay thuộc huyện Cẩm Xuyên, có tầm quan trọng trên tuyến giao thông biển xuyên Bắc Nam. Cửa biển là hợp lưu của hai hệ thống sông Ngàn Mọ và sông Rác, gặp nhau tạo thành sông Lạc chảy khoảng 1km thì đổ ra biển Đông. Các triều đại trước coi Cửa Nhượng là một trọng địa, xếp vào loại tấn sở trọng yếu, luôn được canh giữ cẩn mật. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, “Tấn Cửa Nhượng, ở Nhượng Bạn, rộng 24 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước, xưa gọi là cửa biển Kỳ La, trong có đường nhỏ bằng đá quanh co, phía Nam liền với chân động Tượng Ty, phía Bắc liền với núi Thiên Cầm chỗ ẩn, chỗ hiện trông như đập đá; khoảng giữa có một cái động nhỏ, có thể chứa được vài chục người. tục gọi sập đá. Hồi đầu bản triều, quân ta tiến đánh Nghệ An, đốc tướng Nguyễn Hữu Dật đem thủy binh vào cửa Kỳ La đánh tan quân Trịnh, tức chỗ này”. Ngoài cửa biển có hòn Bơớc.
Cửa Khẩu - Thị xã Kỳ Anh
Cửa Khẩu là tên gọi tắt của Kỳ Hoa hải khẩu. Nghệ An ký chép là Khẩu Hải Khẩu. Lịch triều hiến chương loại chí chép là cửa Loan Nương. Nằm ở tọa độ 106021’36” kinh Đông, 18006’48” vĩ độ Bắc thuộc xã Hải Khẩu, nay là xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh. Đây là cửa biển quan trọng ở phía nam nước Đại Việt xưa. Người Chăm từ thế kỷ 2 thường vào Cửa Khẩu và cửa Nước Mặn cướp phá. Năm 803, quân Hoàng Vương (Chăm Pa) tràn sang đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường chiếm Châu Hoan, Châu Ái. Thuyền lương, thuyền chiến tập kết ở Cửa Khẩu. Thời Lý - Trần, đề phòng quân Chăm Pa, triều đình đã đặt đồn binh canh giữ ở cửa Kỳ Hoa. Thời Lê Trung Hưng, nơi đây trở nên trọng yếu, nơi đóng quân bảo vệ trấn Dinh Cầu và bờ biển phía nam. Vua Trần Duệ Tông và Lê Thánh Tông khi nam chinh thường dừng lại ở đây. Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc, qua đây kêu gọi quân lương.
Cửa Khẩu hiện nay còn lưu dấu vết là một thương cảng từ thời Trần đến thời Nguyễn. Khảo sát khảo cổ học đã phát hiện khá dày đặc nhiều di vật gốm men ngọc thời Trần, Lê Sơ, sành thời Lê Trung Hưng, tiền thời Nguyễn của Việt Nam, gốm hoa lam, tiền Bắc Tống của Trung Quốc nằm ở hai bên bờ Cửa Khẩu nay thuộc xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh.
Trước đây, cảng nằm ở phía Bắc giáp Núi Đọ, hiện nay nằm ở phía Nam, mé Rú Voong, phía Bắc cảng Vũng Áng. Ở phía nam, vòng quanh Mũi Đòn, núi lấn ra biển tạo nên những vũng ăn sâu vào đất liền như Vũng Đo, Vũng Lố, Vũng Ná, Vũng Môn; đặt biệt Vũng Áng có độ sâu 12m, lại có núi Cao Vọng che chắn nên khuất gió.
Do nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, các thương cảng ở Hà Tĩnh rất thuận lợi về giao thông đường thủy vào Nam ra Bắc; lưu thông với các nước khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Phía nam biển Hà Tĩnh là nơi có vùng biển nước sâu thuận lợi ra vào cho các tàu thuyền có trọng tải lớn. Vũng Áng là một ví dụ. Nơi đây có thể sử dụng làm cảng biển, logistics có quy mô lớn để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh, các tỉnh lân cận và của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các tỉnh Đông Bắc - Thái Lan. Vũng Áng cũng có thể đặt các khu công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Hà Tĩnh có hơn 137km bờ biển từ Cửa Hội, huyện Nghi Xuân đến Mũi Độc huyện Kỳ Anh; có 4 cửa sông đổ ra biển, thuận lợi cho thuyền bè từ biển vào đất liền và từ đất liền ra biển, tạo điều kiện giao thương trong và ngoài nước đã có từ rất sớm trong lịch sử Hà Tĩnh. Cảng Sơn Dương Vũng Áng thuộc Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh) độ sâu tự nhiên lớn, hàng năm sa bồi ít nên có tể tiếp nhận được tàu trọng tải lớn đến 350.000 DWT, gồm bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng. Cảng được che chắn bởi các dãy núi vươn ra biển; nằm cách thành phố 70km về phía nam, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 50km về phía bắc. Khu vực cảng nằm gần trục giao thông Bắc – Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây rất thuận tiện cho giao thương. Từ đây, theo Quốc lộ 1A, đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam có thể kết nối mọi vùng trong cả nước. Hơn nữa, Quốc lộ 12 và Quốc lộ 8 kết nối với đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ ngắn nhất đến Lào và các tỉnh Đông Bắc – Thái Lan. Về giao thông hàng hải, cảng Vũng Áng nằm ở tuyến đường chính từ Bắc Á đi Nam Á, hay từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, khoảng cách bến ra phao số 0 chỉ hơn 1 hải lý, độ sâu luồng tàu luôn ổn định quay trở rộng nên giảm thiểu chi phí cho cả chủ tàu chủ hàng.
Nhận thức được vai trò của các thương cảng Hà Tĩnh trong việc phát triển kinh tế biển, đã nhiều năm, tỉnh Hà Tĩnh đã tận dụng các ưu đãi về điều kiện tự nhiên tập trung phát triển kinh tế vươn ra hội nhập quốc tế. Tỉnh đã thành lập các khu kinh tế gần các cảng biển thu hút đầu tư trong và ngoài nước hàng chục tỷ USD làm thay đổi bộ mặt, bức tranh kinh tế của tỉnh. Các khu kinh tế gần thương cảng biển phát triển mạnh mẽ mang lại nguồn ngân sách chính cho tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và các tỉnh Đông Bắc – Thái Lan.
Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh thành lập cách đây 20 năm, luôn đảm bảo an toàn cho tàu cập cảng, cải cách hành chính, số hóa hoạt động, thủ tục thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tận dụng tối đa khai thác cầu cảng, tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực cạnh tranh, được các doanh nghiệp chủ tàu và chủ hàng đánh giá cao, thực hiện thỏa thuận giữa nước CHCHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào trong khai thác và quản lý cảng Vũng Áng với việc thành lập Công ty cảng quốc tế Lào – Việt. Công tác quản lý hạ tầng, quy hoạch phát triên luôn được Hà Tĩnh quan tâm thực hiện làm tiền đề cho phát triển hàng hải trong khu vực, tổ chức giám sát đầu tư nhiều công trình hạ tầng cảng biển tại khu vực và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống ô nhiễm môi trường. Hiện có 5 bến cảng đi vào hoạt động bao gồm Cảng Xuân Hải, Cảng Vũng Áng, Xăng dầu LGP Vũng Áng, Nhiệt điện Vũng Áng và cảng Sơn Dương với tổng 22 cầu cảng đã đi vào hoạt động chính thức và 5 cầu cảng đang được xây dựng. Hàng năm, các cảng đón hàng ngàn lượt tàu với hàng hóa thông qua đạt hàng chục triệu tấn. Cảng Sơn Dương đón tàu chở quặng sắt có trọng tải 200.000 DWT cập bến đánh dấu bước tiến đột phá và phát triển không ngừng của kinh tế biển Hà Tĩnh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung góp phần quan trọng trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Với đầu kéo là khu kinh tế Vũng Áng, kinh tế Hà Tĩnh đang bứt phá mạnh mẽ. Nhiều dự án trọng điểm đang được triển khai. Đây là tiền đề để cho kinh tế Hà Tĩnh đi lên. Theo quy hoạch cảng biển, đến năm 2030, Hà Tĩnh có 76 cầu cảng đi vào khai thác sản lượng thông qua 150 đến 160 triệu tấn.
Để phát huy lợi thế của cụm cảng biển nước sâu và hạ tầng giao thông liên vùng, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch khu logistics ở cảng Vũng Áng với diện tích 133,32ha phục vụ hoạt động giao thương trong tỉnh, khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tóm lại, Hà Tĩnh là một tỉnh có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên và nhân văn để hình thành các thương cảng. Thương cảng ở đây hình thành từ rất sớm. Khảo cổ học đã chứng minh các thương cảng cổ được hình thành sớm vào thời Trần, thịnh đạt vào thời Lê, Nguyễn. Các cửa biển – thương cảng Hội Thống, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu đã được các thư tịch cổ ghi lại rất rõ quá trình hình thành, khai thác, vị trí địa lý. Hiện nay, tận dụng những lợi thế tiền nhân đã phát hiện, các thương cảng cổ ngày nay đều được khai thác và sử dụng với quy mô khác nhau như việc thành lập các cảng dịch vụ nghề cá ở Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng. Đặc biệt, Cửa Khẩu với lợi thế là cảng nước sâu Vũng Áng đã có sự phát triển vượt bậc, là đầu tàu kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh./.
Chú thích:
[1] Phố Hiến, kỷ yếu hội thảo khoa học, Sở Văn hóa, Thông tin – Thể thao tỉnh Hải Hưng – 1994, Tr. 210, 211.
[2] TS. Đặng Hồng Sơn, ThS Nguyễn Văn Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội), TS.Kikuchi Yriko (Viện Nghiên cứu Văn hóa con người thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục Nhật Bản), ThS Trần Phi Công, CN Nguyễn Thị Thương Hiền (Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh), Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thám sát khảo cổ học địa điểm Hội Thống năm 2016.
[3] Sđd.
[4] Thái Kim Đỉnh (Chủ biên – 2015), Địa chí Thạch Hà, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 79-81.
Tài liệu tham khảo:
1. Thái Kim Đỉnh (Chủ biên – 2015), Địa chí Thạch Hà, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
2. Thái Kim Đỉnh (Chủ biên - 2011), Địa chí huyện Kỳ Anh, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
3. Bùi Thiết (Chủ biên – 2020), Địa chí huyện Cẩm Xuyên, Nxb Đại học Vinh.
4. Lê Văn Diễn (2001), Nghi Xuân địa chí, UBND huyện Nghi Xuân.
5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh (2021), Hà Tĩnh 30 năm đổi mới và phát triển (1991 – 2021).
6. Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh (2012), Văn hóa Hà Tĩnh tác phẩm chọn lọc (1992 – 2012), Nxb Đại học Vinh.
7. Hoàng Văn Khoán (Chủ biên – 2019), Những phát hiện tiền cổ ở Hà Tĩnh, Nxb Đại học Vinh.
8. Trần Phi Công (2019), Nghiên cứu sưu tập tiền cổ phát hiện ở Hà Tĩnh, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 8 – 2019.