Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Văn hóa Đông Sơn được lấy theo tên di chỉ khảo cổ học Đông Sơn (phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) phát hiện và khai quật từ năm 1924. Cho đến nay đã có “Trên 400 di tích Đông Sơn đã được biết đến ở Việt Nam, có phạm vi phân bố từ biên giới của Việt Nam với Trung Quốc về phía bắc; với biên giới Việt - Lào ở phía tây; với tỉnh Quảng Bình ở phía nam. Trong đó bao gồm đủ các di tích khảo cổ tiêu biểu như các di chỉ cư trú; di tích mộ táng; di chỉ - di tích cư trú- mộ táng; di tích xưởng, di chỉ - di tích cư trú - xưởng; và nhiều nhất là các di tích tìm thấy hiện vật lẻ tẻ…Căn cứ vào sự diễn biến địa tầng của một số di tích có địa tầng dầy như Đồng Đậu, Đình Tràng, cũng như dựa vào tổ hợp các di vật đồ đồng, đồ gốm và đồ sắt cùng các niên đại được xác định bằng phương pháp niên đại C14, hầu hết các nhà nghiên cứu xếp văn hóa Đông Sơn có niên đại khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên.” (1)
Hà Tĩnh nằm ở vị trí cực nam của văn hóa Đông Sơn, rất nhiều địa điểm tìm thấy dấu vết, hiện vật văn hóa Đông Sơn trên địa bàn tỉnh bao gồm xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc; xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh; xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê; xã Đức Đồng huyện Đức Thọ; xã Sơn Phú huyện Hương Sơn, tiêu biểu nhất phải kể đến di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. Kết quả qua 3 đợt khai quật đã cho thấy được giá trị đặc biệt của di tích, là nơi hội tụ giao thoa của 2 nền văn hóa lớn Đông Sơn và Sa Huỳnh.
Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đang lưu giữ nhiều hiện vật về văn hóa Đông Sơn, trong đó độc đáo nhất phải kể đến bộ sưu tập đồ đồng như giáo, thuổng, rìu, mặt trống có niên đại từ 2.000 - 2.500 năm cách ngày nay.
Nhóm đồ đồng Đông Sơn tại kho bảo quản
Về hiện vật mũi giáo: Có 2 hiện vật mũi giáo sưu tầm ở hai địa điểm khác nhau, có ký hiệu BTHT: 2503/KL316; BTHT: 2972/KL 616. Một sưu tầm ở vùng biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, có kích thước dài 38cm, phần cán dài 12cm, lưỡi dài 26cm, có sống lưỡi nổi 2 mặt, lưỡi dày, hai cạnh sắc và nhọn. Hai sưu tầm ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân lưỡi có mũi nhọn bị gãy, kích thước dài 12cm. Đặc điểm chung của 2 giáo đồng này đều có dạng tra cán hình ống trụ, họng được đúc sâu vào trong thân lưỡi, giáo hình lá, sống lưỡi nổi cao kéo dài suốt thân lưỡi.
Về hiện vật rìu: Mặc dù rìu đồng rất đa dạng về kiểu dáng nhưng nhìn chung được chế tác dựa theo hai nhóm chính là rìu xòe cân và rìu lưỡi xéo. Về nhóm rìu xòe cân, có số lượng trên 7 cái, cao 4 – 7cm, phần lưỡi dài 8 – 12cm. Đặc điểm của nhóm rìu này có lưỡi cong lồi đều, lưỡi xòe rộng, đốc dài. Tại Bãi Cọi năm 2010, phát hiện 1 rìu đồng dài 9cm, rộng lưỡi 8cm, rìu có dáng hình chử nhật, họng tra cán hình thang, đây là rìu tùy táng được phát hiện trong hố khai quật. Rìu ký hiệu BTHT 2504/KL 317 dài 12cm, lưỡi rộng 12cm, lỗ tra cán dài 5cm, được trục vớt ở biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh. Rìu có đặc điểm cong đều đặn, họng rìu có hình đuôi cá, mặt cắt ngang họng hình lục giác, hai bên góc lưỡi nhô ra, cách mặt lưỡi 4cm có hoa văn đường chỉ nổi. Rìu có ký hiệu 1962/KL205 tìm thấy trong lúc khai thác cát tại xóm Sơn Tân 2, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, lúc tìm thấy rìu còn phần cán nhưng đã rỉ, kích thước rìu cao 8,8cm, lưỡi dài 8,7cm, lưỡi rìu phát triển đều hai bên, đường cong lưỡi ít, mặt cắt họng tra cán hình tứ giác, hai cạnh bên xiên, một cạnh dài cong vòng, phần họng tra cán ở mặt bằng có một đường chỉ nổi và một lỗ chốt cách lưỡi 3,2cm, mặt sau của rìu cách lưỡi rìu 5,2cm, có một lỗ chốt nhỏ.
Rìu đồng sưu tầm ở đội 4 xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn năm 1996. Rìu lưỡi xòe cân, rộng 7cm. Phần họng bị sứt mẻ, một phần ở cạnh lưỡi bị gãy, lưỡi rìu hình cánh cung, rìu trang trí hoa văn rất đẹp. Mặt trước có 13 con cò, cổ cao, mỏ dài đang đứng trong một bàu nước. Giữa bàu có một con cá đang bơi lội. Sát mép lưỡi có một hoa văn hình răng cưa, tất cả họa tiết đều được đúc nổi. Mặt sau có nhiều xỉ nên không nhìn rõ hết chi tiết.
Về nhóm rìu lưỡi xéo trong bộ sưu tập với số lượng 4 cái, dài 7 – 8cm, rộng lưỡi 7 – 9,5cm, hiện vật trong trình trạng sứt mẻ ở một vài vị trí như ở cán, mép lưỡi, mũi rìu nhô ra không quá dài, rìa lưỡi cong ngược, giữa họng tra cán có một đến 2 lỗ dùng để chốt khi tra cán. Trong nhóm rìu lưỡi xéo chú ý nhất là rìu có ký hiệu BTHT: 982/KL626, sưu tầm ở Nghi Xuân, dài 7,7cm, rộng lưỡi 8cm, có hình dáng là một chiếc hia, mũi cong hất, họng thẳng, mặt cắt họng hình bầu dục bên ngoài rìu trông rất chắc khỏe và có lốm đốm màu nâu gỉ sắt.
Về thuổng, số lượng trên 10 cái được sưu tầm ở nhiều địa điểm khác nhau, kích thước trung bình dài 6,5cm, rộng lưỡi 4 - 4,5cm, là công cụ sản xuất thuổng có dáng thon khỏe lưỡi sắc, 2 mặt lưỡi cong vồng lên, thuổng tương đối dày, nặng có họng tra cán được kéo dài tới xuống phần lưỡi, phần tra cán tiết diện hình e líp, giữa thân có lỗ chốt cán, trong đó có thuổng sưu tầm ở xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, do ông Nguyễn Văn Trương phát hiện lúc sản xuất tại vị trí núi Cấm, địa điểm phát hiện là đồi thấp, cao khoảng 50m so với mực nước biển, nằm trên hữu ngạn sông Ngàn Sâu, núi Cấm cách rú Dầu khoảng 2 km về hướng Đông Bắc, đây là nơi cư trú và công xưởng chế tác đá, thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, có niên đại trên 4000 năm.
Về mặt trống đồng,Trống đồng là hiện vật tiêu biểu của đồ đồng văn hóa Đông Sơn, tại kho bảo quản có một mặt trống đồng ký hiệu BTHT 2852/KL 384. Tháng 2 năm 2016, một hộ gia đình ở xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc trong lúc cải tạo đất vườn phát hiện ở độ sâu hơn 1m, 1 mặt trống đồng Đông Sơn, kích thước rộng 39cm, dày 0,2 – 0,95cm, trên bề mặt đúc nổi rất nhiều họa tiết hình học tinh xảo, đẹp từ trong ra ngoài có tất cả 9 vòng hoa văn đồng tâm bao bọc nhau. Các họa tiết ngôi sao hình mặt trời 10 cánh, hình con chim lạc đang bay theo chiều ngược kim đồng hồ, hình xoắn ốc quả trám, răng cưa trông rất sống động. Đây là mặt trống đồng Đông Sơn cổ rất quý hiếm lần đầu tiên được phát hiện tại địa bàn Hà Tĩnh, niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm.
Qua khái quát vài nét về bộ sưu tập đồ đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh có thể thấy các di vật được tìm thấy trên một địa bàn rộng giữa có núi, thung lũng, đồng bằng, gần sông, biển đó là môi trường tối ưu cho việc trồng trọt và tiện lợi cho việc di chuyển thủy bộ. Nhóm công cụ sản xuất được tìm thấy đặc biệt là lưỡi cày đã đánh dấu sự phát triển của nông nghiệp bên cạnh khai thác tự nhiên săn bắt và hái lượm vẫn giữ vai trò nhất định trong phương thức kiếm sống của người Đông Sơn.
Ngoài những phát hiện lẻ tẻ ra thì việc khai quật di chỉ khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi, đã bổ sung hoàn chỉnh hơn về bức tranh người Việt cổ trong thời đại kim khí trên đất Hà Tĩnh, hiện vật đồ đồng như vòng ống, rìu, mũi, và mũi chìa, lưỡi cày được tìm thấy trong di chỉ mộ táng không nhiều nhưng cùng với các đồ tùy táng khác như đồ đá, gốm, thủy tinh, sắt cùng với loại hình mộ huyệt đất đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách thức mai táng, phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như đời sống sinh hoạt của cư dân Bãi Cọi đương thời.
Có thể nói bộ sưu tập đồ đồng ở Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh luôn nhận đươc sự quan tâm, dù hiện vật có số lượng và loại hình chưa thật phong phú, song những hiện vật đang bảo quản tại kho là nguồn tư liệu quan trọng có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học.
Chú thích:
(1) Trịnh Năng Chung (2014), "Văn hóa Đông Sơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu", tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, số 5(78), tr 84 - 85.
Tài liệu tham khảo:
1. Trịnh Năng Chung (2014) “Văn hóa Đông Sơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu”, tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5(78), trang 80-93.
2. Hoàng Văn Khoán( 2018), Thức dậy quá khứ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Hà Văn Tấn (1994), Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Bảo tàng Hà Tĩnh (2020), Cổ vật tiêu biểu Hà Tĩnh, NXB Đại học Vinh.
5. Hồ sơ lý lịch hiện vật tại kho bảo quản.
6. http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/71826/tong-quan-ve-di-tich-khao-co-hoc-bai-coi.html.