Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Phong tục ăn trầu đã có từ lâu ở Việt Nam và đã trở thành tập quán của dân tộc. Trầu cau là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục, là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình hạnh phúc.
Để phục vụ cho việc ăn trầu phải đi kèm với đó là các vật dụng cần thiết như chìa vôi dùng lấy vôi têm trầu, dao dùng để bổ cau, khay, cơi, hộp, âu, …dùng để đựng trầu, ống nhổ dùng để nhổ bỏ cổ trầu, bã trầu, cối chìa ngoáy dành cho những người lớn tuổi, răng yếu dùng để giã nát trầu trước khi nhai....trong bộ dụng cụ ăn trầu, bình vôi là vật dụng không thể thiếu và giữ vai trò quan trọng trong tục ăn trầu ở Việt Nam.
Bình vôi thường có hình dáng quả cầu, trên thân bình được tạo một lỗ tròn nhỏ, bình có nhiều kích cỡ chất liệu khác nhau làm từ gốm, sành, đồng, tùy theo không gian mà bình vôi được sử dụng theo kích thước cho phù hợp trong gia đình, sinh hoạt cộng đồng hay mang bên người khi đi ra bên ngoài cho tiện sử dụng. Đặc biệt với người Việt xưa bình vôi được coi trọng và tôn kính như một vị thần nên được gọi “ông” bình vôi, “thần bình vôi” vì vậy bình vôi thường đặt ở vị trí khá trang trọng trong gia đình. Khi sử dụng lâu, vôi trong bình bị cứng lại hoặc bình bị rạn nứt chút thì chủ nhà mua luôn cái bình mới. Dân gian không bao giờ vứt bình đi mà phải tân trọng mang ra đặt cạnh các cây đa cổ thụ hoặc cạnh miếu, đền, chùa.
Hiện vật bình vôi bảo quản tại phòng kho
Hiện Bảo tàng Hà Tĩnh đang lưu giữ trên hơn 20 bình vôi các loại, được chia làm hai nhóm: sành và gốm sứ. Niên đại tập trung vào thời Lê, Nguyễn. Tất cả bộ sưu tập bình vôi nói trên đều có 3 phần: quai, thân và đế. Bình vôi có kích thước trung bình cao từ 9cm đến 24cm, đường kính từ 5,5 đến 17cm.
Về nhóm bình vôi bằng gốm sứ, có đặc điểm màu men bóng mịn, men trắng rạn hay màu xanh lục, chân bình đế thấp lõm không tráng men, trên thân bình trang trí hình quả cau, bình vôi được tạo dáng quai cong, phần tiếp giáp giữa thân bình và đế có gờ nổi. Hai bên thân quai được đắp nỗi các dải xoắn mô tả hình hoa cau. Bình vôi có số bảo quản BTHT: 1598/ S747, bình còn nguyên vẹn, men trắng ngà, quai bình cong mập cao trông chắc chắn, quanh chữ Thọ và miệng bình có trang trí các tua dây màu lam, đó là những nét đặt trưng của loại hình gốm thời Lê.
Bình vôi chất liệu sành, niên đại thời Nguyễn
Về nhóm bình sành, bình có nhiều kiểu dáng và kích cở, bình sành có quai hình vuông, điểm xuyến hình đám mây trên tay nắm, bình nhỏ không có quai nắm mà được tạo núm tròn trên chóp và được trang trí nhiều họa tiết khắc vạch như hình sóng nước, vòng tròn đồng tâm, chân đế bằng. Đặc biệt có 3 bình sành có ký hiệu BTHT/1837/S 847, 2896/S 1274, 1505/ S740, đã gãy tay nắm, bên trong bình chứa đầy vôi, bên ngoài miệng bình có lớp vôi bám chắc tạo thành cổ bình dài tới 8cm. Nếu như bình vôi gốm có nhiều màu men và họa tiết, thì bình sành chỉ có một men màu đơn sắc, thể hiện một nét giản dị, khiêm cung, nhưng cuốn hút đến lạ thường…
Trong quá trình đi điền dã cán bộ phòng Nghiên cứu Sưu tầm đã phát hiện rất nhiều ông bình vôi được để trong khuôn viên chùa, đền thờ như chùa Xuân Đài, thị trấn Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, năm 2020 với số lượng trên 9 bình vôi và miếu Đức Ông ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, có 5 bình vôi hay năm 2012 trong quá trình tôn tạo miếu Bà, tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh phát hiện ở độ sâu 50cm tìm thấy 9 bình vôi. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm một số bình vôi làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu số còn lại lưu giữ ở miếu…Tất cả những bình vôi được tìm thấy đều có đặc điểm quai gãy hoặc miệng bình vôi bám đầy, đó là lúc bình vôi không được sử dụng nữa phải chăng những hiện vật này sau khi lên “ông” đã được các cụ mang ra đặt ở các ngôi miếu, đền, chùa thờ phụng ?.
Nhóm bình vôi phát hiện được tại miếu Bà, thị xã Hồng Lĩnh năm 2012.
Ngoài bình vôi các loại nói trên, các vật dụng đi kèm với tục lệ ăn trầu như khay đựng, dao bổ cau, chìa vôi, cối dã trầu…cũng được Bảo tàng tiến hành sưu tầm. Trong thời gian tới phòng Nghiên cứu – Sưu tầm sẽ tiếp tục tham mưa với lãnh đạo đơn vị trong việc bổ sung sưu tầm hình ảnh, video về tục ăn trầu trong hiếu hỉ, lễ tết, để hoàn thiện chuyên đề “ văn hóa trầu cau tại Hà Tĩnh”, có như vậy khách thăm quan đến Bảo tàng sẽ có cái nhìn đầy đủ chân thực nhất về tập tục truyền thống của dân tộc.