Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Sáng 19/03/2023, UBND xã Quang Vĩnh - Đức Thọ long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Tống Nguyên Kế.
Nhà thờ Tống Nguyên Kế nằm trong khu dân cư thôn Vĩnh Hoà, xã Quang Vĩnh. Họ Tống đến định cư tại thôn Vĩnh Hoà từ giữa thế kỷ 15 tính đến nay đã qua 20 đời nối tiếp nhau. Tống Nguyên Kế là hậu duệ đời thứ 10 của họ Tống xã Quang Vĩnh. Theo gia phả họ Tống, "Tống Nguyên Kế có chức quan to, thi đỗ Hoành Từ văn tuyển khoa. Ông giữ chức Hữu Tham nghị thuộc Thừa ty xứ An Quảng và Kinh Bắc, lúc qua đời có tên là Minh Mẫn, là con trai của bà Ngô Thị Thái" .
Lễ trao bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Tống Nguyên Kế
Tống Nguyên Kế sinh ngày 22 tháng 5 năm Quý Tỵ (1713), là con trai của quan Khương Thọ hầu Tống Nguyên Thi và bà Ngô Thị Thái. Gia phả họ Tống chép lúc trẻ tuổi ông vốn rất thông minh được cha lo nuôi dạy, lại siêng năng, chăm chỉ học tập nổi tiếng học giỏi ở kinh. Dù cha mẹ mất sớm nhưng ông vẫn chuyên cần học tập nên đã tham dự các kì thi Hương và thi Hội nhưng không nói rõ học vị được ghi danh.
Lúc bấy giờ tình hình trong phủ chúa có nhiều biến động. Chúa Trịnh Giang là kẻ ươn hèn, độc ác và ăn chơi trác táng; kẻ trung thần bị hãm hại, bọn hoạn quan thì lũng loạn triều chính. Tống Nguyên Kế đã đi theo các Quận công giúp cung vua, phủ chúa dẹp loạn thành công nên được ưu ái và ban phong chức tước. Ông được tiến cử vào Đông cung dạy học cho thế tử và được phủ chúa yêu mến, quý trọng.
Khoảng giữa thế kỷ XVIII, tình hình xã hội dần đi vào ổn định hoàn chỉnh và phát triển. Tống Nguyên Kế được trọng dụng và cho vào cung với chức Thị nội Văn chức (vào cung chầu vua). Trong kỳ kén chọn bổ dụng nhân tài của triều đình, bộ Lại tiến cử Tống Nguyên Kế giữ chức Tri phủ Diễn Châu (đạo Nghệ An). Thời gian làm Tri phủ Diễn Châu, ông rất quan tâm đến giáo dục, chăm lo mở trường dạy học đào tạo được nhiều hiền sinh, môn đồ cho đất nước. Sau mười năm ở Diễn Châu, ông được bổ nhiệm giữ chức Hữu Tham nghị xứ An Quảng và sau đó lại được triệu về kinh làm ứng khảo phủ đường khoa sự xem xét việc thi cử của các ứng thí. Sau nhiều năm ở kinh đô, do có nhiều kinh nghiệm cùng sự tín nhiệm, Tống Nguyên Kế lại được bổ làm Hữu Tham nghị Thừa ty xứ Kinh Bắc.
Tháng 5/1786 với khẩu hiệu "phò Lê dỉệt Trịnh", nghĩa quân Tây Sơn kéo quân ra bắc đánh chiếm vùng Thuận Hoá rồi tiến về Thăng Long lật đổ chính quyền chúa Trịnh, chiếm thành Thăng Long và trao quyền hành cho vua Lê. Chính sự đã đổi thay, gia sản bị tàn phá sau cơn binh hoả và do tuổi cao sức yếu Tống Nguyên Kế xin cáo quan trở về quê nhà an dưỡng.
Năm 1801, Tống Nguyên Kế đột ngột bị bệnh lị nặng, chữa trị không khỏi và qua đời vào ngày 6 tháng 9 năm Tân Dậu, hưởng thọ 89 tuổi. Mộ ông được an táng tại xứ Ông Ngang, thôn Thuận Hoà sau chuyển về xứ Cồn Trù và lập làm mộ tổ họ Tống. Ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn, nhân đức cao dày của ông đối với quê hương, đất nước, vua Thành Thái và Khải Định triều Nguyễn ban sắc phong thần, tôn phong là Thành hoàng bản thổ và sức cho dân làng lập đền Thuận Hoà để thờ phụng. Thần vị ghi rõ: Bản thổ Thành hoàng tiền thí trúng Hoành từ Hữu Tham nghị Tống phủ quân mông phong Dực bảo trung hưng, gia tặng Đoan túc tôn thần.
Lễ tước bằng di tích lịch sử - văn hóa Nhà thờ Tống Nguyên Kế
Đến nay, các sắc phong, câu đối và đồ thờ tự thời Nguyễn vẫn được lưu giữ cẩn trọng tại nhà thờ Tống Nguyên Kế. Trước đây, nhiều lần do ngập lụt, Đền thờ Thuận Hòa bị hư hại nặng nên dòng họ đã chuyển ba bản sắc phong trên về lưu giữ, bảo quản tại Nhà thờ Tống Nguyên Kế.
Nhà thờ Tống Nguyên Kế được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số QĐ 124/QĐ-UBND ngày 13/01/2023./.