Sáng Từ 8h đến 12h
Chiều Từ 13h30 đến 17h
Tất cả các ngày trong tuần.
Trừ thứ 2 đầu tiên hàng tháng
Nhằm nâng cao chất lượng công tác thuyết minh tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; thực hiện Quyết định số 1113/QĐ-BVHTTDL ngày 27/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại khách sạn May Plaza, thành phố Thái Nguyên, Cục Di sản Văn hóa phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và hướng dẫn triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa dành cho các bảo tàng, ban quản lý di tích các tỉnh, thành miền Bắc.
Đ/c Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng cục di sản văn hoá phát biểu khai mạc lớp đào tạo, bồi dưỡng thuyết minh, giới thiệu, diễn giải và xây dựng
chương trình giáo dục di sản văn hoá.
Lớp đào tạo diễn ra từ ngày 26/6 đến ngày 30/6/2023, với gần 200 cán bộ viên chức trực tiếp làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tại các bảo tàng, ban quản lý di tích ở 28 tỉnh, thành phố miền Bắc. Tỉnh Hà Tĩnh có 11 cán bộ tham gia, thuộc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, khu di tích TBT Trần Phú, TBT Hà Huy Tập.
Thạc sĩ Phạm Mai Thuỷ - Trưởng phòng Giáo dục Công chúng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) giới thiệu chuyên đề Phương pháp, kỹ năng xây dựng nội dung, tổ chức hoạt động giáo dục di sản tại Bảo tàng, di tích
Tại lớp đào tạo, học viên được các giảng viên là chuyên gia về công tác thuyết minh, xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và các chuyên gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục, trải nghiệm bồi dưỡng chuyên sâu về lý thuyết và thực hành công tác thuyết minh, giới thiệu và diễn giải nội dung trưng bày cho các bảo tàng, với các nội dung chủ yếu gồm:
- Tổng quan lý thuyết về công tác thuyết minh, giới thiệu và diễn giải nội dung trưng bày cho các bảo tàng, di tích.
- Phương pháp, kỹ năng trong công tác hướng dẫn, thuyết minh tại bảo tàng, di tích phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên.
- Mô hình và kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường.
- Phương pháp xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên.
- Thực hành xây dựng nội dung và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa.
- Ứng dụng công nghệ trong tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường; thực hành trải nghiệm các ứng dụng công nghệ cơ bản và các phần mềm ứng dụng liên quan phục vụ hoạt động giáo dục, trải nghiệm di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích và nhà trường.
- Khảo sát điều kiện thực tế tại bảo tàng và di tích tại địa phương, đánh giá sự phù hợp của cơ sở vật chất nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng di sản văn hóa trong công tác giáo dục truyền thống.
Trải nghiệm giờ học lịch sử “Tourday online” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Đặc biệt nhất là các học viên đã được trực tiếp trải nghiệm lớp học online qua mô hình “Giờ học Lịch sử online” và “Tourday online” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia với đầu cầu bên kia là các bạn học sinh trên khắp cả nước, cùng với các cán bộ hướng dẫn thuyết minh của Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Sau phần học lý thuyết, học viên đã đi khảo sát thực tế tại Bảo tàng các dân tộc Việt Nam của tỉnh Thái Nguyên, lắng nghe phần hướng dẫn thuyết minh, tham quan hiện vật trưng bày tại đây và thực hành phương pháp giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa.
Học viên lớp đào tạo tham gia khảo sát thực tế tại Bảo tàng
Văn hoá các dân tộc Việt Nam (thành phố Thái Nguyên)
Thông qua đào tạo, các cán bộ trực tiếp làm công tác thuyết minh tại các bảo tàng, di tích có cơ hội giao lưu, tăng cường sự phối hợp, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, nâng cao tính hấp dẫn và chất lượng phục vụ khách tham quan. Đồng thời, giúp ngành văn hóa và ngành giáo dục có sự gắn kết chặt chẽ hơn trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, đưa di sản đến gần hơn với thế hệ trẻ, nhân lên niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn và phát huy di sản trong cho các em.
Các học viên nhận chứng chỉ sau khoá đào tạo
Kết thúc khóa học, các bạn học viên đã được trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về công tác thuyết minh, giới thiệu, diễn giải và xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa và hướng dẫn triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa./.